Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ


Điêu khắc hiện đại chỉ biết… ăn non
Thứ tư, 10/10/2007, 07:00 GMT+7

Là một nghệ sĩ điêu khắc trẻ, có nhiều tác phẩm trưng bày trong nhiều bảo tàng trên thế giới, như: Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Singapore, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Châu Á đương Đại Fukuoka, Nhật Bản. Bảo tàng tại Osaka, Nhật Bản, Bảo tàng tại Cộng hòa Liên bang Đức… Trần Hoàng Cơ là một trong số rất ít nhà điêu khắc có thể tự đắc vỗ ngực nói rằng “mình vẫn sống khỏe được với nghề”, kể cũng là một chuyện hiếm. Anh đã nhận lời dành cho VieTimes một cuộc trò chuyện về nghề, về hoạt động điêu khắc ở Việt Nam trong buổi giao thời gian khó và câu chuyện về điêu khắc đương đại.

Tôi từng làm công việc của một bà đồng nát

Phóng viên (PV): Nhiều người trước kia từng biết đến một Trần Hoàng Cơ chuyên điêu khắc trên sắt, đồng. Còn bây giờ, chúng ta lại biết đến một Trần Hoàng Cơ của đá. Lý do gì khiến anh chuyển sang chất liệu đá?


"Tôi đã phải làm công việc của một bà đồng nát là đi mua sắt thép, phế liệu để rồi đục đẽo..."

NĐK Trần Hoàng Cơ: Đúng là trước năm 2002, tôi sáng tác chủ yếu trên chất liệu sắt và đồng. Đến năm 2002 thì chuyển sang làm trên chất liệu đá. Đây cũng giống như một sự thể nghiệm mới, thay đổi món mới thay vì món ăn cũ đã quá quen thuộc.

PV: Nhưng anh đã rất thành công với chất liệu kim loại…

NĐK Trần Hoàng Cơ: Chất liệu đối với nghệ sĩ điều khắc là rất quan trọng. Mỗi nghệ sĩ có một gu chất liệu riêng. Có người mạnh về chất liệu đá hoặc đồng, lại có người giỏi về làm sắt. Những năm 90 của thế kỷ 20, khi kinh tế chưa mở cửa, các nghệ sĩ làm việc trong điều kiện vô cùng cực nhọc. Lúc này ở ta vẫn chưa có thị trường cho điêu khắc. Đa số nghệ sĩ kiếm sống vẫn nhờ vào các hợp đồng làm tượng đài với Nhà nước hoặc đi làm công chức để duy trì cuộc sống.

Không gian hồi sinh

Thời gian này, tôi đã phải làm công việc của một bà đồng nát là đi mua sắt thép, phế liệu để rồi đục đẽo, gò hàn, tất cả mình đều phải làm khá thủ công để thỏa cái chí sáng tác của mình. Nhờ cần cù mà ơn trời, đến năm 1994, tôi đã tham gia được triển lãm điêu khắc trên chất liệu sắt và đồng đầu tiên ở Nhật Bản, cũng là nghệ sĩ điêu khắc đầu tiên của Việt Nam sang Nhật. Rồi cuộc triển lãm solo trên chất liệu kim loại đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1996, tại Quỹ tiền tệ Quốc Tế ở Hà Nội đã ra đời.

PV: Anh nói trong lúc đời sống kinh tế đất nước rất khó khăn, nhiều nhà điêu khắc phải đi làm công chức kiếm sống. Vậy khi đó anh làm gì?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Tôi là một nghệ sĩ tự do. Bây giờ cũng vậy. Và, tôi thấy thật kỳ lạ là mình vẫn còn sống được bằng nghề cho tới tận bây giờ (cười).

Họ là những nghệ sĩ ăn đong

PV: Anh có nhận xét gì về những trại sáng tác điêu khắc ở ta trong khi kết quả của chúng vẫn luôn nhận được những lời bình luận ì xèo?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Thật ra việc tổ chức trại sáng tác là một cách làm xã hội hóa điêu khắc rất hay. Là nơi một số nghệ sĩ có cơ hội dấn thân, cơ hội thực hành và thực hiện ý tưởng của mình một cách miễn phí. Bởi không phải nhà điêu khắc nào cũng có một nhà xưởng như mong muốn.

PV: Không biết Trần Hoàng Cơ có thích tham gia những trại này?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Đến nay tôi mới tham gia hai hội trại, trong khi ở ta có tới 13,14 trại thường xuyên mở trại sáng tác. Tôi ít tham gia vì muốn làm việc ở nhà, mà ở nhà máy móc, vật liệu để sáng tác luôn đầy đủ. Theo tôi, kết quả các trại sáng tác có cao hay không còn phụ thuộc vào các nghệ sĩ có làm nhiều hay không. Nếu ở nhà mà anh làm nhiều thì chất lượng tác phẩm ở trại đương nhiên sẽ rất cao.

Đất và trời

PV: Vậy là ta đã có câu trả lời vì sao chất lượng tác phẩm tại các trại sáng tác luôn kém rồi.

NĐK Trần Hoàng Cơ: Vâng. Nhưng một nguyên nhân khác nữa khiến các trại sáng tác ít thành công là việc có quá nhiều hoạ sĩ, nhà kiến trúc cũng nhảy sang làm điêu khắc tham gia. Họ là những người rất “a ma tơ”, rất thiếu tính chuyên nghiệp. Việc làm của họ chỉ được coi là một hành vi nghệ thuật thôi, chứ nói thẳng tuột thì chẳng ai trong số họ thành công trong điêu khắc cả. Bởi tôi biết, các nghệ sĩ này làm ở nhà rất ít, đa số tham gia trại chỉ là chơi chơi cho vui thôi. Đấy là chưa kể đến việc họ không không sử dụng được máy móc, chưa hiểu thấu triệt từng loại đá khác nhau, quy mô và cách bày đặt khác nhau, không tự làm được từ A đến Z tác phẩm của mình, mà là thuê thợ làm. Vì vậy, họ trở thành những nghệ sĩ đi ăn đong qua từng trại.

PV: Vậy theo anh, làm thế nào để các trại sáng tác có chất lượng cao hơn?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Tôi rất thích cách dựng trại tại Đồ Sơn gần đây do một Resort ở đảo Hòn Ráu làm chủ đầu tư. Theo tôi thì cách làm của tư nhân là tuyệt với nhất, đơn giản nhất. Tôi rất muốn một số tư nhân tổ chức trại sau đó bán sản phẩm để lấy tiền tổ chức tiếp các trại sáng tác sau. Trong khi hiện nay ở ta, cách tuyển chọn người tham gia trại vẫn còn nể nang, các sản phẩm từ các trại vẫn là cho không, biếu không chứ chưa bán được. Mặt khác các nhà tổ chức nên đầu tư vào chất lượng thì tốt hơn là cách đầu tư dàn trải, phong trào. Một trại điêu khắc trước đây mời 40 nhà điêu khắc tham gia mà số tác phẩm chấp nhận được thì quá ít. Nếu số tiền ấy đầu tư chỉ cho khoảng mười người thì chất lượng hẳn sẽ tốt hơn nhiều.

Ghét nhất là người ăn non

PV: Với tư cách một khán giả có nghề, anh có thể lý giải vì sao việc xây dựng tượng đài lại có quá nhiều bất cập và nghệ sĩ nào “dính” tới tượng đài cũng ít nhiều tai tiếng?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Từ hàng chục năm nay có rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi ấy và phải nghe quá nhiều lời xì xào xúc phạm đến nghề nghiệp khiến tôi rất đau lòng. Có thể việc các nhà đặt hàng và các nhà thầu làm tượng đài có một sự thỏa thuận, chia chác hoặc vì một mối quan hệ nào đó mà trúng thầu và cho ra những sản phẩm kém chất lượng.

Nhưng theo tôi, nguyên nhân đầu tiên thuộc về các nhà đặt hàng, sau đó mới đến các nhà điêu khắc. Cho đến bây giờ, cơ chế đấu thầu làm tượng đài vẫn là cơ chế thân quen và không mở rộng đặt hàng, mở rộng tìm đối tác là những nhà thầu tốt thì không thể có được công trình tốt. Mặt khác, một số người không dám dấn thân vào nghệ thuật vẫn coi làm tượng đài là công việc kiếm sống.

Thiên đàng trên trái đất

PV: Bản thân anh đã tham gia làm tượng đài nào chưa?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Tôi không làm tượng đài vì công việc này mất thời gian, nhiều khi lại mua bực vào người. Vì vậy, tốt nhất là đầu tư cho những tác phẩm mình sáng tạo, những đứa con mình chăm bẵm, rồi sẽ có người ưu ái đến mua. Đó là hạnh phúc nhất của nghệ sĩ.

PV: Thưa anh, nghệ sĩ điêu khắc ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu phần trăm sống được với nghề?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Chẳng ai cả (cười). Theo tôi thì hiện chỉ có tôi còn sống khỏe được với nghề. Tôi nói vậy vì ngày nào tôi cũng cầm máy, cầm đục vào xưởng làm việc. Trong khi vào Nam ra Bắc, tôi thấy chả ai làm việc cả. Đa phần nhà điêu khắc làm ra cái phác thảo con con bằng bao thuốc lá rồi thuê 8, 9 nhân công chép lại, phóng lên.

Rất buồn là số lượng nghệ sĩ này lại nhiều không chịu nổi. Tôi có thể khẳng định đội ngũ này chiếm đến trên 90% nghệ sĩ điêu khắc ở ta. Cách các nghệ sĩ này làm nên tác phẩm cũng được gọi là sáng tác đấy. Có thể cái cách họ làm ra một sản phẩm sẽ nhàn nhã hơn rất nhiều, nhưng hơi thở của một tác phẩm nghệ thuật thì không có. Bởi họ không làm ra tác phẩm từ A đến Z.

PV: Anh nhìn nhận như thế nào về những nghệ sĩ này?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Tôi chẳng thèm để ý đến loại người ấy. Đó là loại người “ăn non”. Nhưng cuộc đời rất công bằng, những người như thế chỉ tồn tại được một thời.

PV: Nhiều người như vậy họ vẫn có cuộc sống rất sung túc đấy chứ?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Chả sung túc đâu. Cũng chỉ được thời gian đầu thôi. Còn sau đó, nhiều người sạt nghiệp ấy chứ. Họ sạt nghiệp trước tiên vì tiêu tốn nhiều thời gian, do tác phẩm không bán được ngay, mà chi phí nhà xưởng, điện đóm, nhân công thuê lại rất lớn. Trong khi những nhà sưu tập họ rất tinh. Họ đòi hỏi người bán phải có chế độ hậu mãi rõ ràng. Đó là việc người bán phải xuất trình quá trình tạo ra tác phẩm ấy như thế nào. Trong khi việc này ở ta vẫn là mua đứt bán đoạn, là ăn xổi, khiến các nhà sưu tập cảm thấy mua phải một vật dụng thôi chứ không phải một tác phẩm nghệ thuật. Và như thế thì chỉ lừa được người ta một hai lần là cùng…

PV: Trong khi kinh tế thị trường ảnh hưởng đến từng chân tơ kẽ tóc cuộc sống của mỗi người thì điêu khắc đã bị cơ chế thị trường ảnh hưởng như thế nào?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Rất nhiều và rất khủng khiếp ấy chứ. Ngày xưa nghệ sĩ sáng tác tác phẩm nhỏ, đầu tư ít, giờ tác phẩm lớn, đầu tư lớn, rủi ro nhiều. Mặt khác, làm điêu khắc bây giờ cũng không thể làm tác phẩm bằng thạch cao, bằng đất như trước kia, mà buộc phải mua đồng, đá, phải làm triển lãm, phải giới thiệu và tìm công chúng. Ngày nay, việc làm ra một tác phẩm đến hoàn hảo từ sáng tác cho đến bày ở triển lãm cũng chỉ đạt được 60% kết quả. 35% tiếp theo phụ thuộc vào triển lãm, vào giới thiệu và quảng cáo. Còn lại may mắn chỉ là 5%. Khó khăn vậy nhưng ở ta, các nhà đầu tư, các Galery chỉ muốn vặt quả chứ không chịu xới đất vun cây và né tránh với triển lãm điêu khắc vì ít lợi nhuận.

Phồn thực trần gian

PV: Loại hình nghệ thuật nào, trong bất kỳ giai đoạn nào cũng có một trào lưu, một khuynh hướng riêng. Vậy điêu khắc Việt Nam đang theo khuynh hướng nào?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Đó là trào lưu ăn ngay, là trào lưu làm hàng chợ, trào lưu làm hàng với vật liệu rẻ tiền là composit rồi dán sơn mài lên cho tây ba lô xách đi cho nhẹ và dễ bán (cười).

PV: Nhưng rõ ràng Trần Hoàng Cơ cũng đang sống trong thời đại này, thì ít nhiều cũng bị dòng chảy ấy tác động?

NĐK Trần Hoàng Cơ: Tác phẩm điêu khắc của tôi là cảm xúc của tôi trước sự đổi thay của xã hội. Mặt khác, mỗi con người là một chủ thể hiện hữu với công việc của mình. Tôi luôn phải đối mặt với chính mình, sự cô đơn trong sáng tạo, vì tôi là Nghệ sĩ, nhà điêu khắc.

PV: Cảm ơn Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ!

Trọng Tuyến (VieTimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét